Xây dựng Đà Nẵng - đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
(DNHN) Những giá trị cốt lõi mà Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Đà Nẵng mang lại cho khách hàng là chất lượng, tiến độ và quan trọng nhất đó là chữ tín.
Đây cũng là tôn chỉ mà Công ty đã và đang theo đuổi để định vị thương hiệu của mình trong mắt khách hàng cũng như trên thị trường xây dựng. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Hưng – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Đà Nẵng xoay quanh thị trường xây dựng hiện nay và những trăn trở của công ty trong việc tháo gỡ khó khăn, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
- Xin anh cho biết một vài nhận định về thị trường xây dựng hiện nay?
CTHĐQT- Giám đốc Đặng Văn Hưng: Như các bạn đã biết, thị trường xây dựng hiện nay có một năm đầy biến động, chịu sự tác động trực tiếp thị trường vật liệu xây dựng, đồng vốn đầu tư công và các chính sách tài khóa tiền tệ của Nhà nước.
Ngành Xây dựng phải đối diện với những khó khăn chung như biến động giá, mặt bằng lãi suất ngân hàng quá cao, nguồn vốn khan hiếm, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng và không ổn định dẫn đến tình hình lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, việc cắt giảm các dự án đầu tư công cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành xây dựng, chúng tôi rất trăn trở về sự bền vững của doanh nghiệp mình trong thời điểm này, qua đây chúng tôi cũng mong chờ những chính sách của Thành phố, Chính phủ có sự hỗ trợ và định hướng cho doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đang gặp phải.
- Thất thoát, lãng phí trong xây dựng là một vấn đề khá nhức nhối. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, anh nghĩ sao?
CTHĐQT- Giám đốc Đặng Văn Hưng: Thực trạng thất thoát, lãng phí và tiêu cực trong đầu tư XDCB đã được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông và tại nhiều diễn đàn, gây nhức nhối trong toàn xã hội và cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngăn ngừa. Việc thất thoát, lãng phí là có thực và nó xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn trong quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư, đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Có thể thấy một số sai phạm dẫn đến thất thoát, lãng phí và tiêu cực trong đầu tư xây dựng như:
- Thất thoát, lãng phí trong khâu chủ trương đầu tư: Xác định sai chủ trương đầu tư, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đầu tư kém...
- Thất thoát trong khâu khảo sát thiết kế: Khảo sát không đảm bảo chất lượng, chưa sát với thực tế hoặc không đúng với những tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến việc phải khảo sát lại hoặc phải phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh thiết kế, phương án thi công nhiều lần, kéo theo là làm thay đổi dự toán, làm chậm tiến độ thi công,... gây lãng phí thời gian, tiền của của dự án;
- Thất thoát trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng: đền bù không thoả đáng, không đúng đối tượng; chi trả tiền đền bù không theo định mức, khung giá Nhà nước và địa phương ban hành; khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù... làm tăng thêm vốn đầu tư xây dựng công trình và chính việc đền bù không thoả đáng, hợp lý, không tuân theo quy định làm cho việc bàn giao mặt bằng xây dựng không đúng thời hạn quy định, dẫn đến chậm tiến độ thi công công trình, gây lãng phí, thất thoát vốn.
- Thất thoát, lãng phí trong công tác triển khai và điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm như: Bố trí danh mục các dự án đầu tư quá phân tán, dàn trải, không sát với tiến độ thi công của dự án đã được phê duyệt, bố trí kế hoạch đầu tư cho dự án không đủ điều kiện dẫn đến kéo dài thời gian thi công, chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư;
- Thất thoát, lãng phí trong khâu lựa chọn nhà thầu: Làm sai lệch bản chất đấu thầu như không thực hiện đúng trình tự đấu thầu; xét thầu, đánh giá để xếp loại nhà thầu khi lựa chọn nhà thầu không chính xác, thiếu chuẩn mực, không đủ khả năng; hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu đã khống chế giá trúng thầu cho đơn vị được thoả thuận để thắng thầu đưa đến phá giá trong đấu thầu.
- Thất thoát, lãng phí trong khâu thi công xây lắp công trình: Thi công không đảm bảo khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại; sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng; khai khống khối lượng; ăn bớt vật liệu trong quá trình thi công, chất lượng công trình không đảm bảo...
Chúng tôi mong rằng Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách về quản lý đầu tư XDCB, đổi mới cơ chế quản lý nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu đầu tư và quản lý xây dựng đi theo trình tự và cơ chế thị trường, góp phần đưa công tác quản lý đầu tư và xây dựng đi vào nề nếp, tháo gỡ dần những vướng mắc, tồn tại trong xây dựng cơ bản khi chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách mở cửa Nhà nước.
- Những vấn đề như lạm phát trong nhiều năm qua, trượt giá, chủ đầu tư chậm thanh toán, áp lực từ vốn vay ngân hàng với lãi suất cao,…. Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Đà Nẵng chịu tác động thế nào? Làm thế nào để đảm bảo việc làm và những chế độ cho nhân viên trong công ty?
CTHĐQT- Giám đốc Đặng Văn Hưng: Những vấn đề như lạm phát trong nhiều năm qua, trượt giá, chủ đầu tư chậm thanh toán, áp lực từ vốn vay ngân hàng với lãi suất cao,….
Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Đà Nẵng cũng không nằm trong ngoại lệ mà còn ảnh hưởng trầm trọng hơn, do chịu tác động trên cả ba lĩnh vực: Xây dựng, bất động sản và lĩnh vực sản xuất cọc bê tông.
Các công trình nhận thầu do nguồn vốn thanh khoản kéo dài thời gian nên dẫn đến giá vật tư biến động, sự hỗ trợ về bù giá không theo kịp với giá cả thực tế của thị trường.
Lĩnh vực xây dựng do thắt chặt đầu tư công, công ty chúng tôi cũng hạn chế xây dựng mới các dự án nên cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Các Công trình có hiệu quả thấp, không có tính khả thi, khó thu xếp được nguồn vốn trong điều kiện thắt chặt chính sách tài khoá của Nhà nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng đều tạm dừng, hoãn hoặc giãn tiến độ; tập trung nguồn lực vào các công trình có khả thi và hiệu quả cao thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Công ty.
Còn trong lĩnh vực bất động sản do tác động của lãi suất vay ngân hàng và hạn chế cho vay đối với cả doanh nghiệp kinh doanh và cả người tiêu dùng nên cũng gặp khó khăn lớn. Bên cạnh đó là khả năng chậm thanh toán của các chủ đầu tư khiến doanh nghiệp chúng tôi khá vất vả trong việc quay vòng nguồn vốn, tái thiết đầu tư để đảm bảo công nhân có việc làm.
Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi cũng luôn tự tạo ra cho mình những động lực tốt để thúc đẩy tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên, tạo cho cán bộ công nhân viên sự tin tưởng và hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và lắng nghe những ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh, định hướng doanh nghiệp phát triển đúng theo kế hoạch đã được hoạch định.
- Là một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng hiện nay tại Hải Phòng, Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Đà Nẵng đã mang lại cho khách hàng những gì?
CTHĐQT- Giám đốc Đặng Văn Hưng: Những giá trị cốt lõi mà Công ty chúng tôi mang lại cho khách hàng đó là chất lượng của các công trình xây dựng, tiến độ thi công và quan trọng nhất đó là chữ tín, đây cũng là tôn chỉ mà Công ty chúng tôi đã và đang theo đuổi để định vị thương hiệu của mình trong mắt khách hàng cũng như trên thị trường xây dựng, như phương châm của Công ty chúng tôi là “ Uy tín - Chất lượng, Gửi trọn niềm tin”.
- Kế hoạch những tháng cuối năm 2011 của Công ty là gì, thưa ông ?
CTHĐQT- Giám đốc Đặng Văn Hưng: Trong những tháng đầu năm, Công ty chúng tôi đã có nhiều có gắng, triển khai được nhiều hoạt động thiết thực. Bên cạnh những thành tích đạt được, Công ty cũng cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tạo sự tin tưởng, đoàn kết nhất trí, quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên hoàn thành kế hoạch những tháng cuối năm và phấn đấu vì lợi ích chung, mục tiêu chung của Công ty.
Từ nay đến cuối năm 2011 nền kinh tế nước ta vẫn trong tình trạng khó khăn, chính sách của Nhà nước về thắt chặt tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chúng tôi cần hết sức quan tâm, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo tài chính lành mạnh, tức là cân đối được dòng tiền đầu vào và đầu ra, đề ra các giải pháp cho việc đó như điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư, các giải pháp tận thu, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí quản lý...
Đối với các công trình xây dựng, hoàn thiện tiến độ các hạng mục công trình đã và đang thi công, nhận thi công các công trình có khả thi, hiệu quả cao, khả năng thanh toán nhanh và chờ đợi sự phục hồi của thị trường.
Và cũng đề nghị với Chính phủ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ cho hợp lý, thắt chặt nhưng không dẫn đến tạm dừng sản xuất; có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất, nếu không, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ nặng dẫn đến phá sản.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.